Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Sự phát triển vượt bậc của Phật giáo tại Mỹ

Phật giáo tại Mỹ xuất hiện như là một tôn giáo nổi bật có khả năng thay thế và là một sức mạnh tâm linh, văn hóa và chính trị trong thế kỷ 21.
Trong 18 năm qua, tất cả các tông phái Phật giáo đã phát triển vượt bậc tại Mỹ. Từ năm 1991 tới năm 2001, Phật giáo đã gia tăng 170% và trở thành tôn giáo đứng hàng thứ 4 trong số các tôn giáo lớn tại Mỹ.
Năm 2008, theo kết quả cuộc khảo sát tôn giáo của Pew Forum, Phật giáo đã leo lên hạng 3 trong số các tôn giáo có hành đạo tại Mỹ, sau Ki-tô giáo và Do Thái giáo. Cuộc khảo sát này cho thấy tín đồ Phật giáo chiếm 0,7% (khoảng 2 triệu người), Hồi giáo chiếm 0,6% và Ấn Độ giáo chiếm 0,4%.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Pew đã không tính đến tiểu bang Hawaii, nơi có nhiều dân Á châu, đặc biệt người Mỹ gốc Nhật Bản có khuynh hướng là Phật tử. Mặt khác, tất cả các cuộc phỏng vấn đều thực hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Mễ (Tây Ban Nha). Trong khi, thống kê dân số Mỹ cho thấy 40% của 10 triệu dân Á châu sống ở Mỹ không nói tiếng Anh hoặc tiếng Mễ mà lại nói các ngôn ngữ khác như tiếng Thái, Việt, Lào, Hoa, Miến v.v… Do đó, nếu được phỏng vấn bằng tiếng bản địa, thì số lượng Phật tử tại Mỹ có thể là 1,7% (khoảng 5 triệu), ngang bằng với số tín đồ Do Thái giáo.
Năm 2001, chỉ có 76,5% dân Mỹ tự nhận mình là Ki-tô giáo (Christian).Religioustolerance.org đã trưng dẫn cuộc nghiên cứu của ARIS, cho thấy số tín đồ Ki-tô giáo lớn tuổi giảm từ 86% xuống 77% vào năm 2001. Điều gây chú ý là cũng trong thời kỳ này, thành phần Không-tôn-giáo gia tăng 110% tức là chiếm 13,5 % dân số. Căn cứ vào dữ kiện này, cùng với sự liên tục suy giảm của Ki-tô giáo Mỹ, sự gia tăng của các tôn giáo phương Đông và tính cả những người tự nhận mình là Không-tôn-giáo, chúng ta có thể rút ra một kết luận chính xác là Mỹ không còn là một quốc gia thuần túy Ki-tô giáo nữa. Những chính sách như cầu nguyện tại nhà trường, ngăn không cho dạy thuyết Tiến hóa ở trường học (Intelligent Design) và 10 Điều răn của Chúa (Ten Commandments) đang trưng bày ở các tòa án cùng những chính sách nghiêng về Ki-tô giáo không còn phù hợp với một xã hội đa dạng. Hiện đang có sự xuất hiện một loạt những sức mạnh mới đã đưa tới sự lớn mạnh của cộng đồng Phật giáo cùng Không-tôn-giáo v.v… và được nền văn hóa Mỹ chấp nhận.
Chất xúc tác nào đã khiến Phật giáo thành công? Theo ý kiến của chúng tôi, sự thành công của Phật giáo tại Mỹ và khắp thế giới Tây phương nằm trên ba phương diện: Lời giáo huấn chính của Phật về lòng từ bi (compassion), sự khoan dung (tolerance) và hợp lý (rationality), qua đó cá nhân ứng nghiệm và chuyển hóa tâm thức (spiritual transformation) vượt qua nỗi sợ hãi trong tôn giáo truyền thống của Tây phương. Thứ nữa, sự phát triển còn dựa vào thế hệ giáo thọ mới là những Phật tử sinh trưởng ở Mỹ, đã học được cách truyền đạt khéo léo giáo pháp tới quần chúng. Sau hết, có lẽ điều tác động mạnh mẽ nhất là sự không thỏa mãn của rất nhiều người Mỹ cũng như Tây phương về các tôn giáo cực đoan, bảo thủ… đã giúp Phật giáo xuất hiện như một tôn giáo thay thế (alternative religion) có khả năng đứng vững và tồn tại.
Phật giáo tại Mỹ xuất hiện như là một tôn giáo nổi bật có khả năng thay thế và là một sức mạnh tâm linh, văn hóa và chính trị trong thế kỷ 21. Sách Hướng dẫn cho Phật tử Mỹ (The Guide to Buddhist America) xuất bản năm 1998 đã liệt kê 1.000 thiền đường tại Mỹ và Canada. Ngày nay, bạn có thể vào bất cứ tiệm sách Borders, Barnes and Noble nào và sẽ thấy một số sách rất lớn dành cho sự giải thoát tâm linh của người Phật tử. Phật giáo còn tạo ảnh hưởng lên các tâm lý gia hiện đại, muốn khám phá tiềm năng của nhận thức và những lợi ích về mặt sức khỏe của Thiền. Như là một hiện tượng của văn hóa, giờ đây mọi người đều thấy và có thể mua tượng Phật, chuỗi hạt và các mặt hàng liên quan đến Phật giáo khắp nơi. Điều thú vị nhất là một cuộc khảo sát mới đây củaJournal for the Scientific Study of Religion, trong đó 26.125.000 người Mỹ (12,6% dân số) nói rằng đời sống tâm linh hàng ngày của họ ảnh hưởng bởi Phật giáo.
Từ giữa thập niên 1990, đã có những phim nói về Phật giáo của Hollywood như Little Buddha, Kundun, Seven Years in Tibet và Enlightenment Guaranteed đó là không kể cả một tập hợp những phim khác mang chủ đề Phật giáo như Star Wars và Matrix. Đã có rất nhiều ngôi sao Hollywood nổi tiếng thực hành Phật giáo như Tina Turner, Orlando Bloom, Richard Geere, Steven Seagal, Keanu Reeves, Patti Smith v.v… Còn trên lãnh vực internet, Phật giáo giống như một nhà máy điện với vô số mạng lưới phục vụ cho việc giảng dạy và truyền bá. Nếu vào Google và gõ "Buddhism", bạn sẽ có khoảng 33,4 triệu nguồn tin tức.
Là một sức mạnh chính trị, nhưng lại có rất ít Phật tử tại Mỹ dấn thân tham gia chính trường. Chỉ có dân biểu Phật giáo Bob Matsui ở Sacramento (California) mất năm 2005. Năm 2007, hai dân biểu Phật tử là Mazie Hirono của Hawaii và Hank Johnson của Georgia đắc cử Quốc hội thứ 110 của Mỹ. Bên cạnh đó, những tổ chức như Buddhist Peace Fellowship đã dấn thân vào việc cải cách án tử hình, bảo vệ môi trường và xúc tiến hòa bình toàn thế giới…
Theo GIÁC NGỘ ONLINE

Phật giáo ở Mỹ: Màu sắc Á Đông nhưng thích ứng với phương Tây

Giác Ngộ Online

Phật giáo ở Mỹ: Màu sắc Á Đông nhưng thích ứng với phương TâyChuyến viếng thăm Hoa Kỳ tuần này của Đức Đạt Lai Lạt Ma chú trọng vào Phật giáo ở Mỹ, ngày càng tăng trưởng vì làn sóng di dân châu Á tràn sang và việc cải đạo của một số người Tây phương. Từ Los Angeles, thông tín viên Mike O'Sullivan tường trình rằng Phật giáo Mỹ vẫn giữ được bản sắc châu Á nhưng thích ứng với nếp sống Tây phương.

Các em trai tuổi từ 5 đến 14 cạo tóc khi bắt đầu 5 ngày tịnh tâm. Nghi thức này đưa các em vào Phật pháp và nếm trải đời sống của một Tăng sĩ Phật giáo. Tại chùa Hsi Lai (Tây Lai) ở Los Angeles, phần lớn tín đồ là người Mỹ gốc Trung Quốc nhưng con cái họ được giảng dạy bằng tiếng Anh.
wwwpgM.jpg
Một lớp dạy tu tập tại chùa Hsi Lai
 ở thành phố Los Angeles, bang California
Giám đốc truyền giảng, sư ông Miao Hsi, sanh tại Hong Kong giải thích là Phật giáo tại Mỹ được phân chia theo sắc tộc.

Sư ông Miao Hsi nói: “Đó là lý do tại sao có Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Nhật Bản v..v.. Do đó tôi nghĩ ngay lúc này chúng ta cũng có một hình thức Phật giáo Mỹ nào đó”.

Một nhà sư sinh tại Mỹ thuộc Trung tâm Thiền định Phật giáo Quốc tế tại Los Angeles, Kusala Bhikshu nói Phật giáo có một lich sử lâu dài tại Mỹ.

Ông nói: “Và hiện nay Phật giáo đã bén rễ trên đất Mỹ, do đó có những người như tôi sinh tại Iowa - những người sanh tại Mỹ cải theo đạo Phật, một vài người trở thành nhà sư hay các ni sư Phật giáo và mang giáo lý nhà Phật đến cho người Mỹ".
Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể là một nhà sư Phật giáo nổi tiếng nhất trên thế giới và được kính trọng rộng rãi trong số những người Mỹ. Ngài có những tín đồ nổi tiếng như tài tử Richard Gere. Thông điệp về tình thương của Ngài thu hút những người Mỹ khác.

Có những cơ sở Phật giáo Tây Tạng trên toàn nước Mỹ. Tu viện bên ngoài thành phố Redding, miền bắc California là một trung tâm giảng dạy Phật pháp và thiền định.

Nhà sư Kusala Bhikshu nói trung tâm Los Angeles của ông qui tụ một số trường phái Phật giáo lại với nhau. Ông học đạo của một giáo sư đến từ Sri Lanka và được qui y theo truyền thống Việt Nam. Trung tâm của ông được một vị sư Việt Nam sáng lập và tọa lạc tại khu của người Mỹ gốc Triều Tiên.

Ông nói giáo lý Phật giáo phong phú thay đổi từ truyền thống này sang truyền thống khác. Tại chùa Hsi Lai, tuy có sự khác biệt nhưng nội dung của giáo lý giống nhau: tôn trọng truyền thống, ước muốn thích ứng vào xã hội Mỹ, và sự tìm kiếm hòa đồng giữa những người có các  tín ngưỡng khác nhau.

Nhà sư Miao His nói: “Mỗi cá nhân đều có liên hệ với nhau. Cũng giống như chúng ta nối kết với thế giới này. Do đó tôi nghĩ chúng ta nên làm việc để tiến tới sự hòa đồng với nhau. Hòa đồng và hòa bình phải là những gì mà tất cả chúng ta cần phải cùng làm việc để đạt đến”.

Những người theo Phật giáo nói có một nhịp cầu nối liền nhiều dòng Phật giáo Mỹ. Đó là những trẻ em sinh tại Mỹ, theo Phật giáo và có chung văn hóa Mỹ, bất kể cha mẹ các em ra đời ở đâu.
Theo VOA